Các vấn đề lý thuyết Đường_cong_Laffer

Các diễn giải

Đường cong Laffer: t* là thuế suất mà thu nhập cực đại được tạo ra. Đây là đường cong như được Arthur Laffer vẽ ra[3], tuy nhiên đường cong không nhất thiết phải có một đỉnh và cũng không nhất thiết phải đối xứng ở mức 50%.

Laffer giải thích mô hình theo thuật ngữ của hai tác động tương tác của việc đánh thuế: một "hiệu ứng số học" và một "hiệu ứng kinh tế"[3]. "Hiệu ứng số học" giả định rằng thu nhập thuế thu được bằng thuế suất nhân với thu nhập có thể đánh thuế (hay cơ sở tính thuế). Ở thuế suất 0%, mô hình giả định rằng sẽ không có thu nhập thuế nào thu được. "Hiệu ứng kinh tế" giả định rằng tự bản thân thuế suất có ảnh hưởng tới cơ sở tính thuế. Ở mức thuế suất tột cùng 100%, về mặt lý thuyết chính quyền sẽ không thu được thu nhập thuế do những người nộp thuế thay đổi hành vi của họ để phản ứng lại với thuế suất: hoặc là họ không có động lực khích lệ để làm việc hoặc là họ sẽ tìm cách để né tránh các khoản thuế phải nộp. Vì thế, "hiệu ứng kinh tế" của thuế suất 100% là giảm cơ sở tính thuế xuống bằng 0. Nếu các giả định này là đúng thì một mức thuế suất nào đó nằm trong khoảng từ 0% tới 100% sẽ sinh ra thu nhập thuế cực đại. Các trình bày dưới dạng đồ thị về đường cong này đôi khi đặt mức thuế suất này ở khoảng gần 50%, nhưng thuế suất tối ưu về mặt lý thuyết có thể là bất kỳ phần trăm nào lớn hơn 0% và nhỏ hơn 100%. Tương tự, đường cong thường được vẽ giống như một đường parabol, nhưng không có lý do gì để cho rằng nó phải đúng như vậy.

Jude Wanniski lưu ý rằng mọi hoạt động kinh tế không chắc chắn là ngừng lại ở thuế suất 100%, nhưng có thể sẽ chuyển từ trao đổi bằng tiền tệ sang trao đổi kiểu hàng đổi hàng. Ông cũng lưu ý rằng có thể có những hoàn cảnh đặc biệt mà hoạt động kinh tế có thể vẫn tiếp tục trong thời kỳ mà thuế suất ở mức gần 100% (chẳng hạn trong thời gian chiến tranh)[6].

Nhiều cố gắng khác nhau đã được thực hiện để định lượng mối quan hệ giữa thu nhập thuế và thuế suất (chẳng hạn, của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) tại Hoa Kỳ)[7]. Trong khi sự tác động giữa thuế suất và thu nhập thuế nói chung được chấp nhận thì bản chất chính xác của sự tác động này lại gây tranh cãi. Trên thực tế, hình dạng của đường cong Laffer giả thuyết đối với một nền kinh tế nào đó chỉ có thể là ước tính. Mối quan hệ giữa thuế suất và thu nhập thuế là dao động giữa các nền kinh tế và phụ thuộc vào độ co giãn cung lao động và một loạt các yếu tố khác. Ngay cả trong cùng một nền kinh tế thì các đặc trưng của đường cong cũng biến đổi theo thời gian. Các tính chất phức tạp như đánh thuế lũy tiến và các khác biệt có thể có trong việc khích lệ lao động đối với các nhóm thu nhập khác nhau làm phức tạp công việc ước tính. Cấu trúc của đường cong cũng có thể bị thay đổi bởi các quyết định chính sách. Chẳng hạn, nếu các lỗ hổng thuế và các khả năng che giấu thuế thu nhập từ nước ngoài bị pháp luật siết chặt hơn thì điểm mà từ đó thu nhập bắt đầu giảm với sự đánh thuế tăng lên rất có thể sẽ trở thành thấp hơn.

Laffer trình bày đường cong như một phương sách giáo dục để chỉ ra rằng trong một số hoàn cảnh thì việc giảm thuế suất trên thực tế sẽ làm gia tăng thu nhập của ngân sách nhà nước và không nhất thiết phải bù đắp bằng giảm chi tiêu ngân sách hay gia tăng vay mượn. Để có thể giảm thuế suất mà vẫn tăng thu nhập thuế thì thuế suất hiện tại phải cao hơn thuế suất của thu nhập tối đa. Năm 2007, Laffer nói rằng đường cong không nên được coi là cơ sở duy nhất để tăng hay giảm thuế[8].

Các vấn đề

Laffer giả định rằng chính quyền sẽ không có thu nhập từ thuế khi thuế suất ở mức 100% do không còn sự khích lệ để tìm kiếm thu nhập từ những người nộp thuế. Nghiên cứu đã phát triển các mô hình toán học lý thuyết mà trong đó đường cong Laffer có thể liên tục dựng đứng tới mức thuế suất 100%[9], mặc dù không rõ ràng liệu điều đó có thể xảy ra trên thực tế hay không và khi nào thì các giả định mà các mô hình toán học dựa vào đó được thực thi trong các nền kinh tế thật. Ngoài ra, đường cong Laffer phụ thuộc vào giả định rằng thu nhập thuế được sử dụng để cung cấp hàng hóa/dịch vụ công có thể tách biệt về tính hữu dụng và tách biệt với cung lao động, điều có thể không đúng trên thực tế[10]. Đường cong Laffer như đã trình bày cũng là sự đơn giản hóa trong việc giả định rằng chỉ có một thuế suất duy nhất và chỉ có một cung lao động duy nhất. Các hệ thống thực tế của tài chính công là phức tạp hơn. Có sự nghi vấn quan trọng về sự tương quan của việc xem xét một thuế suất biên duy nhất[2]. Ngoài ra, thu nhập thuế có thể là một hàm đa giá trị của thuế suất – chẳng hạn, sự gia tăng thuế suất tới một mức phần trăm nhất định có thể không tạo ra một mức gia tăng thu nhập thuế giống như mức giảm thu nhập thuế khi giảm thuế suất tới cùng một mức phần trăm (một thể loại của hiện tượng trễ).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_cong_Laffer http://www.angrybearblog.com/2010/11/hausers-law-i... http://www.bloomberg.com/news/ng%C3%A0y http://www.dailykos.com/story/2011/07/13/994029/-W... http://books.google.com/books?id=GcmvijkDrEcC&lpg=... http://www.huppi.com/kangaroo/L-taxcollections.htm http://www.nationalaffairs.com/doclib/20080528_197... http://www.polyconomics.com/gallery/Napkin003.jpg http://www.theatlantic.com/doc/198112/david-stockm... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,1... http://blogs.wsj.com/japanrealtime/2013/09/09/lear...